Sign In

Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

09:10 21/04/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Nhận định về xu thế xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 21/4 - 30/4, ngày 21/4, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Xâm nhập mặn ở khu vực trên có xu thế tăng vào những ngày cuối tuần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức xấp xỉ và thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 4/2024.

Chiều sâu ranh mặn 4‰ trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 50-60km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 35-40km; sông Hàm Luông là 40-45km; sông Cổ Chiên là 35-40km; sông Hậu là 40-45km; sông Cái Lớn là 35-40km.

Xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn còn tăng cao từ ngày 27/4-1/5, từ tháng 5 xâm nhập mặn giảm dần.

Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cấp 2.

Độ mặn xâm nhập sâu trong sông, kênh rạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực. Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh, đồng thời cần hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên trồng các loại cây thời vụ có thể chịu được mức độ mặn cao chuyển đổi cơ cấu con giống phù hợp, đồng thời có những biện pháp chăm sóc chu đáo để hạn chế những thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới nước người dân cần kiểm tra nồng độ mặn.

Bên cạnh việc lưu trữ và tiết kiệm, người dân cần lắp đặt các hệ thống lọc nước mặn để đảm bảo tốt nhất lượng nước sử dụng cho sinh hoạt và tưới tiêu. Hệ thống lọc nước mặn được xem là biện pháp sử dụng trực tiếp nguồn nước mặn hiện tại. Thông qua hệ thống lọc xử lý các thành phần muối hòa tan trong nước, mang lại nguồn nước có độ ngọt hợp lý. Đặc biệt, nước sau lọc có thể sử dụng để uống trực tiếp hoặc tưới tiêu cho các loại cây có khả năng chịu mặn thấp.

Đối với các hộ nuôi thủy sản, phải thực hiện quan trắc theo dõi độ mặn môi trường nuôi. Từ đó xác định khoảng thời gian bắt đầu nuôi và thời điểm kết thúc phù hợp với hiện trạng xâm nhập mặn.

Phòng Thông tin KTTV phục vụ cộng đồng

Ý kiến

Các địa phương tại tỉnh Yên Bái cần chủ động ứng phó với mưa lũ

Theo Đài khí tượng thủy văn Yên Bái đêm ngày 14/6 và sáng 15/6 các khu vực trong tỉnh có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước đã có đã ký Công điện hỏa tốc số 2050/UBND-NLN yêu cầu các đơn vị, địa phương cần chủ động ứng phó với thiên tai.

Thành lập Tổ công tác ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn ở Ninh Thuận

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặm năm 2024 trên địa bàn tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng.

Lai Châu: Mưa đá bất thường kéo dài 15 phút

Sáng ngày 17/1, trận mưa đá xuất hiện cục bộ ở xã Thu Lũm, huyện Mường Tè (Lai Châu) kéo dài khoảng 15 phút, hạt mưa đá kích cỡ bằng đầu ngón tay. Trận nưa đá trái mùa này gây thiệt hại khoảng 1,5 ha hoa màu.