Sign In

Tìm hiểu về không khí lạnh, rét đậm, rét hại

09:00 01/01/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Hãy cùng tìm hiểu thế nào là không khí lạnh, rét đậm, rét hại khi nào xảy ra và các bản tin dự báo về không khí lạnh.

Không khí lạnh là hiện tượng thời tiết khi khối không khí rất lạnh từ lục địa châu Á di chuyển xuống khu vực nước ta, nơi đang có khối không khí ấm, gây ra gió Đông Bắc mạnh, trời trở rét và thời tiết xấu. Không khí lạnh thường tràn về vào mùa Đông và có hướng chủ yếu là Đông Bắc nên còn gọi là “gió mùa đông bắc”. Khối không khí lạnh này có nguồn gốc cực đới, tràn qua lục địa châu Á dưới dạng front lạnh, xuống đến nước ta trong nhiều trường hợp không còn thể hiện rõ tính chất điển hình của một front lạnh nên được gọi chung là “không khí lạnh”.

Bản đồ khi không khí lạnh về

Gió mùa Đông Bắc là hiện tượng thời tiết đặc biệt nguy hiểm, vì khi nó tràn về, ngoài khơi vịnh Bắc Bộ gió có thể mạnh cấp 6 - 7 (đôi lúc có thể mạnh hơn) có thể đánh đắm tầu thuyền, trên đất liền gió cấp 4 - 5, có thể làm hư hại nhà cửa, cây cối, các công trình đang thi công trên cao, ...Đặc biệt những đợt mạnh còn gây ra mưa to, gió lớn, thậm chí xuất hiện cả các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, tố lốc, có khi cả mưa đá (tập trung vào các tháng chuyển tiếp từ mùa lạnh sang mùa nóng và ngược lại). Vào những tháng chính đông (từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau), đêm về trời quang mây, gây ra sương muối, băng giá, có năm có cả tuyết rơi trên vùng núi cao. Nếu không khí lạnh  kéo dài còn gây rét đậm, rét hại không những đối với cây trồng, gia súc mà cả con người. Ở nước ta không khí lạnh thường bắt đầu từ trung tuần tháng 9 năm trước đến trung tuần tháng 6 năm sau, nhưng mạnh nhất vào các tháng chính đông, chịu ảnh hưởng trực tiếp là khu vực phía Bắc, từ đèo Ngang trở ra, ít khi đến Nam Trung Bộ.

* Thế nào là rét đậm, rét hại? Căn cứ vào đâu để phân chia rét đậm, rét hại ?

- Rét đậm: khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động phổ biến trong khoảng từ 13 đến 15 độ (130C < Ttb < 150C).

- Rét hại: khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực giảm xuống dưới 13 độ C (Ttb < 130C).

Trong các bản tin dự báo thời tiết thường đề cập đến hiện tượng rét đậm, rét hại. Hiện tượng này chủ yếu được hiểu  cho vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nơi có các hoạt động sản xuất nông nghiệp nhiều nhất vào mùa lạnh. Các thuật ngữ này không áp dụng đối với vùng núi vì ở đó rét đậm, rét hại không phải xảy ra từng đợt, mà hầu như xảy ra suốt tháng. Ví dụ: tại Sa Pa (Lào Cai) rét đậm hầu như xảy ra suốt tháng 12, tháng 1 và tháng 2.

Băng giá, sương muối ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp

Trên thực tế, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam với cây lúa là cây lương thực chủ đạo. Thuật ngữ rét đậm, rét hại được sử dụng chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Các nhà khoa học đã tính toán được rằng khi nhiệt độ trung bình ngày dưới ngưỡng rét đậm, rét hại sẽ ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây lúa. Nếu rét đậm, rét hại xảy ra trong 1 ngày thì cây lúa vẫn có khả năng quang hợp và phát triển bình thường. Nếu kéo dài từ 2 ngày trở lên thì cây lúa sẽ không còn khả năng quang hợp và tự bảo vệ mình dẫn đến không còn khả năng đề kháng và bị chết.

Một điều cần chú ý là nhiệt độ trung bình ngày dưới 150C và 130C phải gắn với hiện trạng thời tiết nhiều mây, đầy mây và có thể có mưa nhỏ khi đó mới được coi là rét đậm, rét hại. Trong thực tế vào những ngày trời quang mây về đêm nhiệt độ xuống rất thấp, nhưng ban ngày trời nắng nhiệt độ lên rất cao, nhiệt độ trung bình ngày vẫn có thể dưới 150C nhưng không được coi là rét đậm.

* Có bao nhiêu loại tin dự báo về không khí lạnh?

Tùy theo tình hình cụ thể của từng đợt không khí lạnh, có hoặc không kèm theo front lạnh, thì phát tin dự báo không khí lạnh theo các tiêu đề như sau:

Tin gió mùa Đông Bắc: được phát ra khi:

- Không khí lạnh có khả năng xâm nhập xuống nước ta, làm thay đổi căn bản hệ thống gió đã tồn tại từ trước thành gió hướng lệch bắc, gây ra gió mạnh từ cấp 6 trở lên và kéo dài quá 3 giờ ở trên Vịnh Bắc Bộ (và ngoài khơi Trung Bộ);

- Hoặc khi không khí lạnh có khả năng xâm nhập đến miền Bắc nước ta, làm thay đổi căn bản hệ thống gió đã tồn tại từ trước thành gió hướng lệch về bắc (không xét tốc độ gió), đồng thời làm thay đổi rõ rệt về thời tiết ở một khu vực: chuyển đầy mây, diện mưa tăng lên đột ngột và nhiệt độ trung bình ngày giảm 3 - 5 độ trở lên đối với trên một nửa số trạm trong ít nhất một khu vực;

- Hoặc làm thay đổi căn bản hệ thống gió đã tồn tại từ trước thành gió hướng lệch về bắc (không xét tốc độ gió), đồng thời gây mưa rào và dông diện rộng ở một khu vực, có thể có gió giật mạnh trên cấp 6 hay tố, lốc, mưa đá... và nhiệt độ tối cao giảm 5 - 7 độ trở lên đối với trên một nửa số trạm trong ít nhất một khu vực.

Tin gió mùa Đông Bắc và rét: được phát ra giống như khi phát gió mùa đông bắc kể trên, nhưng nếu thấy đợt không khí lạnh có khả năng làm cho nhiệt độ trung bình ngày ở vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ giảm xuống dưới 15 độ (rét đậm và rét hại) và có khả năng kéo dài từ 2 ngày trở lên.

Tin không khí lạnh tăng cường: Tin này được phát trong trường hợp có không khí lạnh tăng cường xuống nước ta. Trong khi ở các tỉnh phía bắc đang tồn tại không khí lạnh, hướng gió chưa thay đổi (vẫn gió hướng lệch bắc), nhưng tốc độ gió đã tương đối suy yếu, ngoài khơi gió đã giảm xuống dưới cấp 5, nhưng khả năng có một đợt không khí lạnh khác, lại gây ra gió mạnh từ cấp 6 trở lên và kéo dài quá 6 giờ ở trên Vịnh Bắc Bộ (và ngoài khơi Trung Bộ).

Tin không khí lạnh tăng cường và rét: Tin này được phát trong trường hợp có không khí lạnh tăng cường nhưng có khả năng làm cho nhiệt độ trung bình ngày ở vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ giảm xuống dưới 150C và có khả năng kéo dài từ 2 ngày trở lên.

Tạp chí KTTV

Ý kiến

Các khái niệm liên quan đến nắng nóng

Các khái niệm liên quan đến nắng nóng

Thời tiết như thế nào được gọi là nắng nóng? Cấp độ nắng nóng được phân chia như thế nào, khi nào sử dụng cấp độ đó?
Các giải pháp ứng phó với thảm họa thiên tai động đất và sóng thần

Các giải pháp ứng phó với thảm họa thiên tai động đất và sóng thần

Động đất là sự rung động mặt đất bởi sự giải phóng đột ngột năng lượng trong vỏ trái đất dưới dạng sóng địa chấn, có thể gây ra biến dạng trên mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, của cải và sinh mạng con người.