Sign In

Hội thảo “Công nghệ hiện đại trong cảnh báo sớm thiên tai Khí tượng Thuỷ văn”

16:00 21/03/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Ngày 21/3, tại Hà Nội, Cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã tổ chức Hội thảo khoa học Công nghệ hiện đại trong cảnh báo sớm thiên tai khí tượng thủy văn.

Tham dự Hội thảo có Phó Cục trưởng Cục KTTV TS. Đặng Thanh Mai, các đơn vị trực thuộc Cục, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi Khí hậu, trường đại học Thuỷ Lợi, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Tài nguyên và Môi trường. 

Hội thảo khoa học Công nghệ hiện đại trong cảnh báo sớm thiên tai khí tượng thủy văn là sự kiện khởi đầu trong chuỗi sự kiện chào mừng 80 năm Ngày thành lập ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam (3/10/1945 - 3/10/2025) và 75 năm Ngày thành lập Tổ chức Khí tượng thế giới (23/3/1950 -23/3/2025).

Nội dung của Hội thảo là giới thiệu, trao đổi các công nghệ mới, hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0, hệ thống thông tin địa lý và viễn thám trong dự báo, cảnh báo sớm thiên tai khí tượng thuỷ văn, phục vụ hiệu quả công tác phòng chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, góp phần phát triển bền vững kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

TS. Đặng Thanh Mai, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Thanh Mai, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn cho biết: thiên tai khí tượng thủy văn (KTTV) trong những năm vừa qua đã trở nên phức tạp và khó lường. Giai đoạn 10 năm gần đây, năm nào cũng là năm kỷ lục thiên tai KTTV trên toàn cầu. Tại Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2024, thiên tai đã làm 519 người chết, mất tích - gấp hơn 3 lần so với năm 2023 và gấp 2,4 lần trung bình 10 năm. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng hơn 89 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai trở thành vấn đề cực kì cấp bách. Ngành KTTV xác định, việc ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số là chìa khóa nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, đạt đến mục tiêu ngày càng cao của công tác phòng chống thiên tai và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi kiến thức về những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo thiên tai.

TS. Dư Đức Tiến, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia chia sẻ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác dự báo, cảnh báo bão.

Chia sẻ về nghiên cứu “Xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong dự báo xoáy thuận nhiệt đới ở Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam hạn đến 3 ngày”, TS. Dư Đức Tiến, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết: Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang được ứng dụng trong công tác dự báo xoáy thuận nhiệt đới tại nhiều quốc gia trên thế giới. Với đề tài này, nhóm tác giả xây dựng hệ cơ sở dữ liệu lớn về xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) và các trường khí tượng, hải dương trong quá trình hoạt động của chúng ở Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam trong 10 năm gần đây. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng hệ thống AI ứng dụng trong dự báo XTNĐ ở Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam; ứng dụng AI trong dự báo XTNĐ nghiệp vụ ở Việt Nam hạn đến 3 ngày.

Nghiên cứu đang mở ra triển vọng nâng cao độ chính xác của dự báo bão. Kết quả thử nghiệm các mô hình học máy sâu đã ứng dụng tốt cho việc nhận dạng các khu vực có XTNĐ trên ảnh vệ tinh, tuy nhiên vẫn còn nhiều sai số trong phân cấp lớp bão. Đặc biệt, thời điểm bão yếu và các quá trình chuyển cấp bão, thay đổi hình thái mẫu mây bão gây khó khăn cho mô hình trong việc nhận dạng. Việc ứng dụng các phương pháp học máy tổ hợp bước đầu cho phép có được các sản phẩm dự báo cường độ bão có tính khách quan và độ tin cậy tốt ở thời hạn trước 24-48 giờ. Theo TS Dư Đức Tiến, vấn đề quan trọng vẫn là bài toán dữ liệu. Nếu có đủ thông tin cho học máy, kết quả sẽ càng đáng tin cậy hơn.

TS. Vũ Văn Thăng, Trung tâm Kỹ thuật quan trắc KTTV giới thiệu “Mô hình dự báo sự thay đổi cường độ đột ngột (RI) và quỹ đạo đột ngột (SD) của bão trên Biển Đông”

Liên quan đến bão, TS. Vũ Văn Thăng, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu giới thiệu “Mô hình dự báo sự thay đổi cường độ đột ngột (RI) và quỹ đạo đột ngột (SD) của bão trên Biển Đông”. Nghiên cứu đã xác định ngưỡng thay đổi đột ngột cường độ của bão trên Biển Đông thông qua vận tốc gió cực đại ứng với các khoảng thời gian khác nhau như 12, 24, 36, 48 giờ; và tương tự với sự thay đổi quỹ đạo đột ngột. Từ đó, xây dựng mô hình thống kê động lực dự báo RI, SD của bão trên Biển Đông nhằm chủ động hơn trong công tác dự báo. Theo TS Vũ Văn Thăng, sắp tới, nhóm tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu lượng hóa cơ chế ảnh hưởng của các nhân tố nội lực và ngoại lực đến sự thay đổi đột ngột về cường độ và quỹ đạo bão trên Biển Đông; công nghệ đồng hóa số liệu và thử nghiệm với nhiều dữ liệu đầu vào...

Cũng tại hội thảo, đại diện Cục Khí tượng thủy văn, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đã trình bày các đề tài về “Mô phỏng ngập lụt do nước dâng bão, thử nghiệm cho ven biển Thanh Hóa”, “Công cụ WebGis hỗ trợ dự báo mưa bão dựa trên mô hình R-CLIPPER và dữ liệu vệ tinh GSMaP”; “Dự báo định lượng mưa sử dụng kỹ thuật dòng quang cho khu vực Việt Nam”; “Giải pháp tăng cường thông tin cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất”. Đây đều là những dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học đã cùng trao đổi, làm rõ hơn về công nghệ radar thời tiết, vệ tinh khí tượng, hệ thống định vị toàn cầu, ứng dụng AI và học máy, những mô hình dự báo tiên tiến đang được ứng dụng trên thế giới và tại Việt Nam... Từ đó, đề xuất các giải pháp, kiến nghị để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai.

Các Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Tạp chí KTTV

Ý kiến

Tổng cục Khí tượng Thủy văn Ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025

Tổng cục Khí tượng Thủy văn Ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025

Triển khai các hoạt động chuyển đổi số của Tổng cục Khí tượng Thủy văn trong năm 2025, trên cơ sở cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2025 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 4146/QĐ-BTNMT ngày 20 tháng 12 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; từng bước hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số, phát triển dữ liệu số, ứng dụng, dịch vụ và đảm bảo an toàn, an ninh mạng theo hướng đồng bộ, hiệu quả.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức các hội thảo KHCN hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam năm 2025

Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức các hội thảo KHCN hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam năm 2025

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam (03/10/1945 - 03/10/2025), Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) xây dựng kế hoạch tổ chức các hội thảo khoa học công nghệ năm 2025

Việt Nam tham dự Khóa họp thường niên lần thứ 56 của Ủy ban Bão (27/02/2024)

Ngày 27/2/2024, tại Malaisia, lễ khai mạc Khóa họp thường niên lần thứ 56 của Ủy ban Bão (TC-56) được diễn ra với sự tham dự của đại diện của các quốc gia thành viên, các quan sát viên. Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV), ông Hoàng Đức Cường tham dự Phiên họp.