Việt Nam được đánh giá có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam cần sớm xác định được vùng ưu tiên đầu tư nhằm tạo ra đột phá về năng lượng tái tạo.
Theo báo cáo “Đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên gió các vùng ven biển đến 6 hải lý và các khu vực xa bờ ở Việt Nam”, do Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) vừa công bố, tổng công suất kỹ thuật điện gió ngoài khơi (ĐGNK) vùng biển nông gần bờ đạt khoảng 475 GW, phù hợp đặt trạng trại gió có tháp turbin cố định. Trong khi đó, vùng biển sâu đạt khoảng 593 GW, phù hợp đặt tháp turbin trên các bè, phao nổi.
Bản đồ tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió vùng biển gần bờ Nam Bộ - khu vực đã được đề xuất 46 dự án điện gió.
Tổng diện tích cả 2 vùng biển nông và sâu có thể phát triển điện gió là hơn 63.000 km2. Riêng vùng biển nông chiếm gần một nửa và có khả năng phát triển thuận lợi công nghệ tháp turbin đặt trực tiếp trên đáy biển, đạt 107 GW (với 42 GW ở vùng biển nông Bắc Bộ và 65 GW ở vùng biển nông phía Nam).
Sự phân bổ này gắn với biến động gió theo tháng và mùa trong năm, cũng như đánh giá rủi ro thiên tai ảnh hưởng đến hoạt động ĐGNK. Đại diện nhóm chuyên gia, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định: Tiềm năng kỹ thuật ĐGNK của Việt Nam tập trung trong thời kỳ mùa đông từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau (chiếm 50% tổng năng lượng gió cả năm), tạo điều kiện tối ưu cho khai thác ĐGNK ở miền Bắc và miền Trung.
Gió mùa Tây Nam xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 9, ảnh hưởng chính đến khu vực biển phía Nam, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Tháng 12 thường là tháng có mật độ gió cao nhất trong năm trên phạm vi toàn quốc, trong khi tháng 5 và tháng 6 thường là thời kỳ có tốc độ gió thấp nhất. Do đó, nhà đầu tư cần tính toán kỹ thời gian vận hành và bảo trì hệ thống.
Về rủi ro thiên tai, bão và áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều nhất ở Bắc và Trung Trung Bộ, gây mất an toàn cho trang trại điện gió, đặc biệt vào các tháng 8–10. Gió mạnh cực đoan và sóng cao thường xảy ra vào mùa đông, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận, bảo trì hệ thống điện gió. Các nhà đầu tư ĐGNK cũng có thể dựa trên những phân tích dòng chảy và triều cường trong báo cáo để đánh giá cụ thể từng vị trí lắp đặt chân đế.
So sánh với kết quả trong “Báo cáo đánh giá tiềm năng năng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam” của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tháng 9/2022, kết quả nghiên cứu có sự tương đồng về phân bố không gian và thời gian tiềm năng năng lượng gió trên Biển Đông, tuy nhiên xấp xỉ đến cao hơn về giá trị. Cụ thể, mật độ năng lượng gió trung bình năm ở trung tâm Vịnh Bắc Bộ và vùng biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu là 500-900 W/m2 và 400-600 W/m2 ở độ cao 100m (trong khi kết quả do Bộ TN&MT công bố là 500-700 W/m2 và 300-500 W/m2 tương ứng).
Tổng công suất kỹ thuật có thể khai thác 1068 GW (tính ở độ cao 100m), trong đó công suất vùng biển phía bắc khoảng 174 GW, phía Nam khoảng 894 GW.
Ước tính tiềm năng kỹ thuật đạt 1068 GW, cao hơn nhiều so với con số 599 GW trong báo cáo "Offshore Wind Roadmap” của Ngân hàng Thế giới năm 2021, chủ yếu nhờ phạm vi khảo sát rộng hơn và mô hình khí hậu được hiệu chỉnh kỹ lưỡng với dữ liệu thực đo trong nước.
Vùng biển ven bờ (đến 6 hải lý) có tổng công suất kỹ thuật là 57,8 GW. Trong đó, một số tỉnh có tiềm năng nổi bật. khu vực biển Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tổng tiềm năng ven bờ (trên 16 GW); Ninh Thuận - Bình Thuận trên 24 GW, tập trung tại vùng ven các huyện Ninh Phước, Tuy Phong; Quảng Trị – Thừa Thiên Huế có tiềm năng nhỏ hơn nhưng ổn định về tốc độ gió vào mùa đông.
Riêng tại đồng bằng Bắc Bộ, vùng biển ven bờ chỉ có tiềm năng đạt 0,17 GW, chủ yếu do vùng nước cạn, quy hoạch hạn chế và giao cắt vùng bảo tồn.
Atlas thể hiện bản đồ tốc độ gió trung bình, mật độ công suất gió, hệ số biến thiên gió, hiển thị chi tiết từng ô lưới 3x3 km trên toàn vùng biển Việt Nam và cho phép tích hợp vào các hệ thống GIS. Dữ liệu có thể hỗ trợ trực tiếp các quy hoạch điện gió quốc gia, địa phương và các dự án đầu tư cụ thể.
Ngoài chỉ số tốc độ gió trung bình, báo cáo còn cung cấp các chỉ số như mật độ công suất, hệ số biến thiên, sự phân hóa theo độ cao tuabin (từ 10-250m), và đặc biệt là phân tích biến động theo tháng và mùa trong năm cũng như đánh giá rủi ro thiên tai ảnh hưởng đến hoạt động điện gió ngoài khơi.