Sign In

Lễ Công bố báo cáo tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam

18:00 18/04/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Chiều 18/4 tại Hà Nội, Cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với UNDP và Đại sứ quán Na Uy công bố báo cáo tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam.

Toàn cảnh buổi lễ

Lễ công bố với sự tham dự của ông Hoàng Đức Cường, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn; ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện Thường trú chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam; Bà Mette Møglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam; Lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cùng các chuyên gia, đại biểu đến từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB); Tổ chức phát triển Đức GIZ (Đại sứ quán Đức); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) cùng một số doanh nghiệp năng lượng; đại diện của các tỉnh, thành phố ven biển...

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ công bố, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn - Hoàng Đức Cường cho biết: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt là sau thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận Net-ZERO tại COP26, năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm giảm biến đổi khí hậu toàn cầu. Chuyển đổi sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo là một giải pháp cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030 do Liên Hợp quốc đề ra. Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu năm 2030 tối thiểu 33% tổng sản lượng điện sẽ được phát từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng gió tại Việt Nam đã được thực hiện thông qua một số đề tài, dự án, trong đó một số đối tác nước ngoài cũng đã tham gia thực hiện. Tuy nhiên, trong các đánh giá trước đây, mức độ chi tiết - độ phân giải của thông tin còn hạn chế, công nghệ sử dụng để đánh giá cũng như các thông tin mới nhất về rủi ro thiên tai trên biển chưa được cập nhật.  

Ông Hoàng Đức Cường nêu rõ: Ngày 30/6/2023, UNDP tại Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam đã hỗ trợ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Cục Khí tượng Thủy văn thực hiện nhiệm vụ đánh giá chi tiết tiềm năng năng lượng gió ở các vùng biển ven bờ (đến 6 hải lý) và ngoài khơi Việt Nam, đề xuất hỗ trợ dài hạn cho ngành điện. Sau thời gian gần hai năm thực hiện, các đồng nghiệp của chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và ngày hôm nay, chúng tôi trân trọng và vui mừng công bố các kết quả chính của Báo cáo Đánh giá tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam”. Ông Cường hy vọng các nhà đầu tư, quản lý các công ty khai thác điện gió sử dụng thông tin này cho việc lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng và vận hành khai thác năng lượng tái tạo nói chung, điện gió nói riêng.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện Thường trú chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam

Theo ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, báo cáo cung cấp bộ Atlat gió ngoài khơi chi tiết nhất từ trước đến nay, với dữ liệu mô phỏng với chuỗi thời gian dài tới 30 năm và có độ phân giải cao. Đây là công cụ thiết thực để hỗ trợ quy hoạch không gian biển, phát triển ngành điện gió và thu hút đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa phê duyệt Quy hoạch không gian biển, Quy hoạch tổng thể ven biển và Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. 

Bà Mette Møglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam

Bà Mette Møglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam khẳng định: Đây là ví dụ hoàn hảo về sự hợp tác giữa các cơ quan của 2 nước để đạt được mục tiêu lớn, chúng tôi đã có cơ sở để đo được tiềm năng gió.

Đối với quy hoạch không gian biển- các thông số điện gió được lấy từ cơ quan khí tượng thủy văn, đây là thông tin vô cùng quan trọng trong xây dựng điện gió ngoài khơi, chúng tôi kỳ vọng rằng báo cáo là kết quả sự hợp tác giữa hai bên, báo cáo sẽ có các thông tin kỹ thuật giúp cho các cơ quan quản lý hoạch định các chính sách phù hợp cho phát triển điện gió ngoài khơi - Phó Đại sứ Na Uy nhấn mạnh và cho biết, công tác đo đạc gió được dựa trên kinh nghiệm của Na Uy.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia báo cáo tại buổi lễ

So sánh với kết quả trong “Báo cáo đánh giá tiềm năng năng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam” của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tháng 9/2022, kết quả nghiên cứu có sự tương đồng về phân bố không gian và thời gian tiềm năng năng lượng gió trên Biển Đông, tuy nhiên xấp xỉ đến cao hơn về giá trị. Cụ thể, mật độ năng lượng gió trung bình năm ở trung tâm Vịnh Bắc Bộ và vùng biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu là 500-900 W/m2 và 400-600 W/m2 ở độ cao 100m (trong khi kết quả do Bộ TN&MT công bố là 500-700 W/m2 và 300-500 W/m2 tương ứng). Ước tính tiềm năng kỹ thuật đạt 1068 GW, cao hơn nhiều so với con số 599 GW trong báo cáo Offshore Wind Roadmap” của Ngân hàng Thế giới năm 2021, chủ yếu nhờ phạm vi khảo sát rộng hơn và mô hình khí hậu được hiệu chỉnh kỹ lưỡng với dữ liệu thực đo trong nước. Riêng tại đồng bằng Bắc Bộ, vùng biển ven bờ chỉ có tiềm năng đạt 0,17 GW, chủ yếu do vùng nước cạn, quy hoạch hạn chế và giao cắt vùng bảo tồn. Ngoài chỉ số tốc độ gió trung bình, báo cáo còn cung cấp các chỉ số như mật độ công suất, hệ số biến thiên, sự phân hóa theo độ cao tuabin (từ 10-250m), và đặc biệt là phân tích biến động theo tháng và mùa trong năm cũng như đánh giá rủi ro thiên tai ảnh hưởng đến hoạt động điện gió ngoài khơi.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn kết luận tại buổi lễ

Kết luận tại buổi lễ, Ông Hoàng Đức Cường, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam, Sứ quán Na Uy tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà quản lý từ các bộ/ngành, tỉnh/thành có biển, cơ quan truyền thông, báo chí đến đưa tin cùng toàn thể quý vị đại biểu đã đồng hành, đóng góp vào sự thành công của Lễ công bố. Ông cũng hy vọng, trong thời gian tới, sự hợp tác giữa Cục Khí tượng Thuỷ văn và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam, sứ quán Na Uy tại Việt Nam sẽ tiếp tục được phát huy, không chỉ trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi mà còn trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như các lĩnh vực khác về khí tượng thuỷ văn vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung.

Ảnh kỷ niệm tại buổi Lễ

Tạp chí KTTV

Ý kiến

Hội thảo khoa học quốc gia “Kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam

Hội thảo khoa học quốc gia “Kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam

Sáng 24/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam” (Chương trình sẽ diễn ra trong hai ngày 24-25/4/2025). Tham dự Hội thảo có Phó Cục trưởng Hoàng Đức Cường, cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Cục Khí tượng Thuỷ văn.

Cục Khí tượng Thủy văn triển khai nhiệm vụ trọng tâm Quý II

Sáng ngày 14/04, Cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) tổ chức cuộc họp giao ban công tác Quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong Quý II. Đồng chí Nguyễn Thượng Hiền, Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn chủ trì cuộc họp.